Người anh cả ở Anthill Bar Coffee
Thời tiết những ngày đầu xuân Đinh Dậu thật kỳ lạ. Vừa mới hôm qua còn nắng vàng suộm ấm áp, hôm nay trời đã phủ mây mang theo cái lạnh se se. Trước giờ làm việc ban chiều, tôi quyết định ghé phòng trà Anthill để thưởng thức một ly cà phê cho thêm tỉnh táo. Và phải chăng, không khí ảm đạm càng cần có thêm hương vị cà phê để ướp thêm chút sâu lắng.
“Ổ Kiến” ngự trên tầng 2 của ba căn nhà liền kề, nối kết thành một không gian rộng rãi. Tôi lựa chọn chiếc bàn ở dãy ngồi cạnh cửa sổ, nhìn xuống hàng cây xanh mát và con đường một chiều thuộc tuyến đường trung tâm của thành phố. Anthill được biết đến nhiều bởi không khí sôi nổi cùng âm nhạc náo nhiệt khi thành phố đã lên đèn. Ấy vậy nhưng ít ai để ý, khung cảnh lúc ban ngày tại đây cũng rất thích hợp để tận hưởng những phút thư giãn êm đềm.
Tôi ngồi một lúc thì bắt gặp anh Đức – chủ quán Anthill bước ra từ phòng quản lý. Ban trưa quán vắng, anh cũng vừa xong việc, chúng tôi ngồi trò chuyện dăm câu, chuyện nghề, chuyện người…
Sự ra đời của Anthill Bar
Anh dẫn tôi đi xem một góc phía sau của quán, nơi vẫn còn “dấu vết” của lúc trước khi được tu sửa. Anh kể rằng lúc trước trên này là một tầng kho, cũ kỹ và xập xệ. Tôi nhìn trên bức tường phía sau vẫn còn những vết “vá” xi măng, sự cũ kỹ hiển hiện đằng sau vẻ hào nhoáng của một quán bar lớn. Mất 4 tháng để anh cùng các cộng sự hoàn thiện toàn bộ không gian cho Anthill. Tất cả thiết kế không gian và nội thất anh đều tự mình nghiên cứu lấy, dồn tâm dồn sức cho nó. Quán bar này do anh cùng hai người em chung nhau gây dựng. Mong mỏi nơi đây sẽ mang một tinh thần đoàn kết, kỷ luật, cần cù, nối kết một “xã hội thu nhỏ” như loài Kiến, ấy là lý do cái tên Anthill ra đời.
Nghĩa tình của người “anh cả”
Quyết định cùng làm bar Anthill, anh chia sẻ: “ngoài chuyện kinh tế cơm áo gạo tiền, cái quan trọng là mình được làm công việc mình thích em ạ. Một quán bar hay café nó như một xã hội thu nhỏ. Ngoài mối quan hệ nội bộ thì chính những vị khách tới đây cũng đều sẽ cho mình được học hỏi rất nhiều. Giá trị của sự kết nối, cái đấy mới là điều quan trọng hơn rất nhiều em ạ”.
Là người đứng đầu, người “anh cả”, anh coi tất cả những người quản lý, nhân viên làm việc tại quán đều như người em, người cháu mình. Anh bảo rằng: “mình ở vị trí này, mình càng phải biết cảm thông, tình thương của mình phải bao la một chút em ạ. Không phải là với người này mình hợp thì mình yêu thương hơn, rồi mình không quan tâm đến người kia. Mình phải cho các em, các cháu thấy được cái sự quan tâm và công bằng của mình. Nơi đây là một xã hội thu nhỏ mà, mình quan tâm, bảo ban, gắn kết mọi người với nhau thì tất cả mới có thể cùng phát triển được”. Những thiếu xót trong công việc là không tránh khỏi, nhưng mỗi khi nhân viên sai phạm, anh lại dùng chính sự chăm chỉ và trách nhiệm của mình để chỉ bảo và làm gương cho những người em, người cháu ấy.
Ngồi trò chuyện cùng anh, tôi cảm nhận được sự nhiệt thành từ tâm, tình thương và những nỗ lực không ngừng của anh dành cho công việc này. Không chỉ bởi câu chuyện nghề cùng Anthill, mà còn từ đôi lời tâm sự của anh về những tháng ngày trước đó. Bỗng nhiên tôi thấy hổ thẹn với chính mình. Những vất vả, khó khăn mà tuổi trẻ tôi đang đương đầu, có lẽ chẳng thấm gì so với những điều anh đã trải qua. Vậy mà đã có lúc, tôi lại chỉ biết than thở và nản lòng. Nếu không nỗ lực và thay đổi, thì làm sao có thể mong một sự đột phá thành công?
Tạm biệt anh và Anthill để tiếp tục quay trở lại guồng quay công việc. Tôi như vừa được tiếp thêm một liều doping cho tinh thần làm việc của mình. Và xin được chúc cho “Ổ Kiến” một năm mới hùng mạnh, tấp nập những chú kiến chăm chỉ tới lui.