Một góc khung cửa sổ bình yên ở emotion

Bình yên tìm về là hiểu biết của khách hàng

Một cộng đồng toàn người làm từ tâm, một người làm bát nháo sẽ bị tẩy chay. Nhưng cả cộng đồng lừa dối khách hàng, một vài người làm đúng sẽ bị coi là không đúng.
Viết về những cảm nhận là một điều rất khó. Bởi nó tinh tế. Cảm nhận của mình khác với cảm nhận của người khác. Có những cảm nhận hay hay, nhưng đi vào lòng người khó, không có sự đồng cảm. Bởi bạn không mang được tâm thế của người trong cuộc. Một sản phẩm làm có tâm khác với một sản phẩm làm phục vụ vụ đa số.
Trong đa số, mọi người ai cũng mong muốn cái gì đó làm có tâm. Nhưng để hiểu sản phẩm có tâm lại khó. Bởi thế, chúng ta bơ vơ tìm nhau.

Tôi viết về câu chuyện café, bắt đầu như mình đang du đãng vậy.
Tôi đến quán café Emotion (số 316 Nguyễn Công Hòa, Q. Lê Chân) vào một buổi trưa, đi tìm một chỗ ngồi để làm việc. Cái không gian bé bé, xinh xinh, gần gũi và làm lòng người trầm trầm, muốn sống đúng nghĩa tình cảm con người. Lúc tôi bước vào quán, tôi đang ở trong tâm trạng không thỏa mái vì tôi vừa đi lấy tin về trường hợp một gia đình phi công trong vụ 9 phi công mất tích – hi sinh trong đội máy bay tuần thám Casa – 212.
Quán nhỏ, chủ quán thân thiện, nhẹ nhàng. Tôi ngồi lì ở đó khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ để làm việc. Phì cười với phong cách của anh chủ quán, tìm hiểu ra thì cùng tuổi với tôi. Anh Nam, tôi biết tên anh thế là đủ. Anh vừa pha đồ, vừa hát như thể con chim cất tiếng hót tự nhiên vì nhu cầu. Anh nhảy chân sáo, giống như một đứa trẻ.
Khung cảnh thì đẹp, đẹp một cách, như pass wifi vậy: Nơi bình yên tìm về.
Xong việc, tôi và anh ngồi nói chuyện. Anh nói về cái tâm khi làm dịch vụ. Anh bảo: “Hoàn cảnh nhà mình khó khăn. Học hết lớp 12, mình lăn lộn đủ việc trên đời. Mỗi việc đều cho mình một trải nghiệm, làm thành kinh nghiệm sống. Trong quá trình lăn lộn, tích lũy đó, mình luôn mơ ước có một nơi gợi lại tuổi thơ, gợi lại những ký ức tình cảm nhất của mình. Người ta có thể bon chen, nhưng vào đến đây sẽ thấy bình yên. Bình yên bởi không gian, bình yên bởi tình người, bình yên bởi tất cả được trân trọng cảm xúc riêng, chung”.
Nam nói với tôi, Nam định làm một nơi đồ pha chế ngon, sạch, ứng xử không phải người làm dịch vụ với khách hàng mà là ứng xử của những người bạn.

Cà phê Emotion
Cà phê Emotion

“Nhưng mà làm sạch, làm đúng không đơn giản. Khách hàng đến đây chưa hiểu giá trị của việc làm sạch như thế nào. Tôi lấy cà phê của Tâm Cà. Đó là thứ cà phê không sánh, đậm, thơm như các quán khác. Dọc đường Nguyễn Công Hòa, có nhiều quán cà phê. Ban đầu khách hàng đến ủng hộ quán tôi nhưng sau đó họ luôn cho tôi lời khuyên là thay đổi nguyên liệu. Tôi cũng chỉ biết giải thích với khách hàng là tôi nhập nguyên liệu cà phê sạch. Cà phê nguyên chất thì không thể sánh, không thể thơm mùi bơ sữa. Nhưng khách hàng vẫn không nghe và nhất quyết tẩy chay”, Nam vừa nói, vừa như khóc.
Anh nói với tôi, làm thật khó và buồn. “Ví dụ, có một cộng đồng toàn người làm từ tâm, một người làm bát nháo sẽ bị tẩy chay. Nhưng cả cộng đồng lừa dối khách hàng, một vài người làm đúng sẽ bị coi là không đúng. Tôi nhận ra điều này và chưa biết khắc phục như thế nào. Có người còn khuyên tôi: Thật thà ăn cháo, bát nháo ăn cơm. Nghe vậy, tôi là đàn ông mà phải rơi nước mắt. Nhiều lúc nghĩ, nếu không tạo được cộng đồng làm việc nghiêm túc thì các dịch vụ như của mình sẽ chết yểu”.
Giữa điều thật và giả, trong vốn sống, vốn lăn lộn nhiều năm, nhiều khuôn mặt người, tôi tin anh Nam nói thật. Và bản thân tôi cũng trải qua những vất vả để định hướng một môi trường kinh doanh, tiêu dùng thật đúng giá trị nên tôi lường hết lời anh nói.

Một góc khung cửa sổ bình yên ở emotion
Nếu có một điều gì để nói, tôi xin nói chân thành: Làm thật rất khó, rất khổ! Không phải ai cũng đi bền được với con đường đó. Tôi trân trọng ý thức và trách nhiệm của một người làm kinh doanh vừa ý thức trách nhiệm cộng đồng, vừa làm từ tâm. Tuy nhiên, để đi lâu dài cần có động lực. Động lực chính là sự hiểu biết của khách hàng.
Mong là vậy!

Hải Đường