Hành trình sinh tồn giữa thiên nhiên lần 3 – Tuổi trẻ cần một lần như thế
Hành Trình Sinh Tồn Giữa Thiên Nhiên hay là 30 giờ trải nghiệm đầy ắp niềm vui khó quên của Tâm Cà cùng những bạn trẻ dám sống chất!
Chương trình Hành Trình Sinh Tồn Giữa Thiên Nhiên là một chương trình trải nghiệm thực tế được Tâm Cà Coffee triển khai từ tháng 10/2015 tới nay đã qua ba lần tổ chức, thu hút sự tham gia của gần 100 bạn trẻ Hải Phòng.
1. Những phút hồ hởi ban đầu của hành trình sinh tồn!
Tháng 5 vừa qua, Tâm Cà Coffee tổ chức chương trình lần thứ 3. Đúng 6h sáng ngày 7/5/2016, 20 bạn trẻ tham gia chương trình đã tập trung tại quán cà phê Ổ Nắng (17/274A Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng). Cảm xúc phấn chấn hồ hởi hiện rõ trên nét mặt của từng người. Chuẩn bị hành trang, điểm danh quân số, các thành viên bắt đầu di chuyển tới xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo – địa điểm diễn ra chương trình, vừa đầy hào hứng, vừa tò mò, nào cùng xem điều gì đang đợi ta phía trước!
Sau gần 2h di chuyển, cuối cùng cả đoàn đã tới được trang trại của bác Long – địa điểm của hành trình lần 3 này. Đất Vĩnh Bảo đón chúng tôi trong một ngày nắng gắt – cái nắng nóng đặc trưng của tiết hè. Với thời tiết này, chắc hẳn sự khó khăn và cảm giác mệt nhọc sẽ tăng lên nhiều phần. 20 thành viên được chia làm 4 gia đình, nhanh chóng tập trung sửa soạn để bắt đầu vào cuộc hành trình. Ở Hành Trình Sinh Tồn Giữa Thiên Nhiên, chúng tôi gọi các nhóm là “Gia Đình”, trong đó có một “Trụ cột” là người nắm vai trò phân công công việc cho các thành viên và gắn kết các thành viên trong gia đình. Chúng tôi cũng không có BTC mà chỉ có “trại chủ” – đầu não thông tin của cuộc hành trình.
Để khởi động làm nóng không khí chương trình, các gia đình bước vào phần thi đầu tiên qua một trò chơi nhỏ: thi lấy gạo. Mỗi gia đình sẽ được trại chủ tài trợ 1kg gạo nhưng để nhận được số gạo ấy cũng không phải điều dễ dàng. Hãy xem các bạn ấy đã làm như nào nhé!
“Và cuối cùng gia đình mình cũng có gạo rồi!”
2. Thử thách thật sự đầu tiên – từ lý thuyết tới thực tế !
Bước vào nội dung chính của hành trình: sinh tồn. Các gia đình sẽ phải chọn chỗ ở thích hợp giữa một vườn chuối, tìm cách dựng lều trại để che nắng, che mưa cho gia đình mình có chỗ ngủ đảm bảo. Kiến thức thực tiễn của các thành viên được thể hiện rõ nhất chính trong phần sinh tồn này. Như gia đình F4 với trại được dựng có bạt che ở cả 4 mặt, hai cửa ra vào và có một trụ đứng ở giữa nhà – được giải thích là để giữ cho trại đủ vững vàng kể cả khi thời tiết có chuyển biến xấu. Một ý tưởng rất hay nhưng hình ảnh cây cột to ở giữa nhà vẫn còn gây nhiều tranh cãi về độ thẩm mỹ. Hay như gia đình Hoa Phượng, trại được trải dài vắt qua hai luống đất, “ngôi nhà” tưởng chừng như rất rộng rãi thoải mái, nhưng nếu có một trận mưa trút xuống thì hẳn nhiên gia đình Hoa Phượng sẽ gặp vấn đề nặng nề đây.
Trong khi các thành viên nam ở lại hoàn tất việc dựng trại thì các cô gái bắt đầu đi kiếm nguyên liệu cho bữa ăn trưa. Không gì khác ngoài… rau dại.
Các cậu ấm cô chiêu hàng ngày đã quen với tiện nghi phố thị, những ngày nóng mà rời điều hòa ra là tưởng như đã thành một cực hình, thức ăn thì luôn sẵn ngoài chợ hay thậm chí chẳng bao giờ phải vào bếp; giờ đây lại ngủ trại bạt, ăn rau dại, mò ốc bắt ngao, những điều mà trước đây chưa từng tưởng tượng tới. Bạn Hiền – thành viên gia đình F4 trải lòng với chúng tôi: “đối với những người như bọn em, việc tham gia chương trình đã là một sự vượt lên chính mình rồi! Vì trước đây không ai trong bọn em phải sống trong hoàn cảnh như vậy cả. Chương trình đã giúp em tự lập hơn và biết được nhiều kỹ năng hơn”. Quả thực, phải bắt tay vào làm, các bạn trẻ mới nhận ra nhiều thứ không dễ dàng như tưởng tượng. Ví dụ như với việc chuẩn bị bữa cơm cho gia đình, BTC đưa ra thử thách là các gia đình không được mang theo bao diêm, bật lửa và vì vậy các bạn ấy phải tự tạo lửa để có thể nấu cơm. Gia đình Đại Gia và gia đình F4 đã có sự tìm hiểu trước về các cách tạo lửa bằng việc lợi dụng ánh nắng mặt trời và thấu kính hội tụ. Nhưng dù có mang theo kính lúp hay tạo thấu kính hội tụ bằng túi nilon và nước, thì cả hai gia đình đều vẫn không thể làm ra lửa dù đã loay hoay rất lâu và thời tiết thì khá là ủng hộ.
3. An cư rồi, lập nghiệp thôi!
Tham gia hành trình sinh tồn, các bạn trẻ không chỉ được trải nghiệm một cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, rèn luyện kỹ năng sống thực tế mà còn được trải qua một thử thách về kinh doanh – tạo thu nhập để cải thiện cuộc sống cho gia đình mình. Trại chủ cung cấp cho mỗi gia đình hai mặt hàng: cà phê pha sẵn đóng chai và tinh dầu tràm hương. Trong hai giờ đồng hồ, nhiệm vụ của các gia đình là phải đi bán được càng nhiều càng tốt hai sản phẩm này, ở chính khu vực địa phận huyện Vĩnh Bảo. Gia đình Đại Gia và gia đình Hoa Phượng là hai nhà bán được nhiều và nhanh nhất. Hai gia đình F4 và Phá Game tuy bán được ít hơn, nhưng các bạn ấy đã rất kiên trì khi đi giới thiệu sản phẩm. Sau nhiều lần bị từ chối và mãi vẫn không bán được hàng, gia đình F4 đã quyết định chuyển đổi mặt hàng trên chính sản phẩm mà Trại Chủ cung cấp. Các bạn ấy biến cà phê pha sẵn đóng chai thành cà phê đen/cà phê sữa và bán theo cốc, vừa thu được lợi nhiều hơn, vừa dễ bán hơn. Một sự linh hoạt và sáng tạo rất đáng khen!
Nguồn kinh phí thu được từ hoạt động này được Trại Chủ sử dụng 50% để gây quỹ từ thiện Tâm Cà, cụ thể là hoạt động Phát bánh mì đêm cho người vô gia cư được diễn ra ngay sau đêm tổng kết và trao phần thưởng chương trình.
4. Chúng ta là đại gia đình mà!
Trong chương trình, ngoài những thử thách riêng, Trại Chủ còn có các hoạt động đòi hỏi sự đóng góp chung của tất cả mọi người, ví dụ như kiếm củi dựng lửa trại, chuẩn bị bữa cơm chung vào trưa ngày thứ hai của hành trình. Chính những hoạt động chung này sẽ cho thấy tinh thần trách nhiệm của các thành viên mỗi gia đình. Chúng tôi đã rất ấn tượng với anh Nam – trụ cột của gia đình Hoa Phượng. Là người đầu tiên tìm được ngao và cũng là người bắt được nhiều ngao và cá nhất, gần đến bữa trưa khi thấy gia đình bạn chưa có nhiều thức ăn, anh Nam đã không ngần ngại chia sẻ một phần ngao của gia đình mình cho các gia đình khác. Mặc dù nếu không chia sẻ bớt phần của gia đình mình, rất có thể nhà Hoa Phượng sẽ ghi được số điểm nhiều hơn so với các gia đình khác khi Trại Chủ chấm bữa cơm trưa.
Hay màn bắt vịt của các trai tráng từ cả bốn gia đình cũng là một kỷ niệm mà cứ hễ nhắc về chương trình, các bạn ấy sẽ đều vừa cười vừa kể lại. Bốn bạn nam từ bốn gia đình cùng xuống ao bắt vịt để chuẩn bị cho bữa trưa chung. Cả bốn người đều chưa từng bắt vịt dưới ao như vậy bao giờ, trông mấy chú vịt bé bé thế thôi mà bơi nhanh ghê gớm. Còn có màn cả 4 thanh niên cùng quây một chú vịt, tưởng là bắt được rồi ấy thế mà khi bốn người tiến sát tới chú vịt rồi, quàng tay ra tóm lấy thì chú vịt liền… lặn xuống dưới và mất tiêu. Trên bờ, mấy cô gái thốt lên: “Haha vịt biết lặn”. Đấy, giờ các bạn ấy mới biết là vịt cũng biết lặn đấy.
Cả đêm lửa trại, khi mọi người cùng nắm tay nhau chạy quanh đống lửa, cùng ngồi tổng kết một ngày lao động và trải nghiệm, cùng chơi trò chơi, cùng nhảy múa hát ca. Mọi mệt nhọc như đều được xua tan, các thành viên xích lại gần nhau hơn, chẳng còn khoảng cách giữa các gia đình, tất cả đều hòa chung lại thành một đại gia đình yêu thương!
Kết thúc cuộc hành trình, Trại Chủ đã chấm điểm và đưa ra kết quả: gia đình Phá Game với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái cùng hỗ trợ các nhà khác, lại rất tích cực trong các hoạt động chung đã trở thành gia đình Sinh Tồn xuất sắc nhất! Bên cạnh đó, trụ cột của gia đình Hoa Phượng – anh Nam là người được tặng danh hiệu “Soái Ca sinh tồn” nhờ những cử chỉ hào hiệp và hoàn thành rất tốt các thử thách mà Trại Chủ đề ra.
Hành trình sinh tồn lần 3 đã khép lại, nhưng những dấu ấn và những kỷ niệm vẫn còn đó. Tâm Cà hy vọng, những chương trình thực tế như vậy sẽ phần nào giúp các bạn trẻ hình dung được những kỹ năng mà mình cần phải trang bị để có thể phát triển bản thân hơn trong cuộc sống. Tuổi trẻ mà, cứ xông pha, trải nghiệm và tích lũy cho bản thân thật nhiều! Giống như việc chấp nhận tham gia một thử thách như hành trình sinh tồn, để tự lập và mạnh mẽ hơn, tuổi trẻ cần lắm một lần như thế, bạn đồng ý không!