‘Người Việt Nam ai cũng muốn uống cà phê thật’
Dưới đây là cuộc trò chuyện của ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa và ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu & tư vấn về tiêu dùng cùng đạo diễn Lê Hoàng.
– Đạo diễn có thể chia sẻ cách lựa chọn khi mua một loại sản phẩm của đạo diễn? (Trần Ngọc Thành, 40 tuổi, Thanhtran@gmail.Com)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Khi tôi mua một sản phẩm, tôi sẽ căn cứ vào những đặc điểm sau:
1. Sở thích của mình.
2. Giá tiền của sản phẩm.
3. Thương hiệu của sản phẩm.
4. Dư luận về sản phẩm.
4. Kiến thức về sản phẩm.
5. Những tác dụng phụ của sản phẩm (ví dụ nó có tác dụng làm cho cô gái mà tôi thích “sa vào tay tôi”).
Trong đó theo tôi, tính chất thứ nhất và tính chất thứ 5 là quan trọng hơn cả.
Đạo diễn Lê Hoàng. |
– Theo các anh cà phê thật được hiểu như thế nào? Thế nào là cà phê giả? (Pham Van Dac, 28 tuổi, Hà Nội)
– Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa: Chào bạn. Muốn biết cà phê thật giả thế nào, đầu tiên chúng ta cần phải biết thế giới đang tiêu dùng cà phê như thế nào. Có 3 phân khúc thị trường theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau:
1. Cà phê tinh khiết nguyên chất (đây là loại cà phê sử dụng 100% nguyên liệu là cà phê thiên nhiên).
2. Cà phê có sử dụng hương liệu (mùi cà phê). Mục đích là để đồng nhất hương vị cà phê khi nó được sản xuất ở nhiều quốc gia khác nhau, nhưng được tiêu thụ dưới cùng một thương hiệu.
3. Cà phê có sử dụng hương liệu (mùi các loại hạt và trái cây khác) đồng thời có sử dụng thêm một số chất độn như ca cao, chocolate, chicory.
Như vậy, cà phê thật được hiểu là loại cà phê ghi rõ trên bao bì sản phẩm thuộc loại nào trong 3 loại kể trên. Cụ thể phải ghi đúng thành phần cấu tạo nên sản phẩm. Ngược lại cà phê giả là những loại cà phê công bố không chính xác, không đầy đủ hoặc mập mờ gian lận giữa 3 loại nêu trên.
– Thưa đạo diễn, nổi tiếng là người nói thẳng, nói thật, đạo diễn nhìn nhận người Việt mình đã biết uống cà phê hay chưa? Tại sao? (Tạ Phi, 44 tuổi)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Không có người Việt nói chung mà người Việt chúng ta chia làm nhiều tầng lớp, lứa tuổi. Do đó cái biết của người này có thể trở thành điều không biết của người kia. Theo quan sát của tôi hôm nay mọi người uống cà phê như sau:
1. Người già uống cà phê vì cà phê ngon
2. Người trẻ uống cà phê vì ngon và vì sành điệu trong đó yếu tố sành điệu chiếm vị trí khá cao.
Nếu chia nhỏ ra nữa có thể nói thế này:
Đàn ông uống cà phê để chứng tỏ nam tính.
Cô gái già uống cà phê để chứng tỏ mình lãng mạn.
Cô gái trẻ uống cà phê để chứng tỏ mình sang trọng và đắt giá.
Cô gái không già, không trẻ uống cà phê vì thấy ai cũng uống cà phê.
Chưa kể một đám đông những người uống cà phê vì từ cà phê có thể nảy sinh ra những mục đích khác.
Theo tôi nghĩ bản chất của cà phê không phải là để uống mà để nhấm nháp. Nói cách khác không ai uống cà phê để giải khát mà để cho một thứ hương vị lan tỏa vào mình. Nếu có “trà đạo” thì đáng ra cũng phải có “cà phê đạo”. Đương nhiên cũng phải có những người “tử vì đạo”. Tôi thì không chết vì cà phê nhưng sẵn sàng chết vì cô gái nào chết cho cà phê.
Trở lại câu hỏi của bạn tôi tin rằng nhìn chung người Việt biết uống và sử dụng cà phê. Nhưng sự biết đấy ngày càng mang tính “phổ thông” mà giảm đi tính “chuyên ngành”.
– Xin ông Chính cho biết, đứng ở góc độ của Hội bảo vệ người tiêu dùng, ông có chuẩn nào để giúp người tiêu dùng biết được đó là cà phê thật? (Hạnh, 22 tuổi, TP HCM)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Trước hết tôi gửi lời chào đến độc giả VnExpress.net. Cà phê là loại thực phẩm đưa vào cơ thể người nên trước hết phải đảm bảo an toàn sức khỏe, kế đến là thỏa mãn nhu cầu của mỗi người. Cà phê phải có những tiêu chuẩn nhất định mà các nhà chuyên môn đã đề cập. Ở đây, đứng về góc độ Hội bảo vệ người tiêu dùng, tôi muốn lưu ý người tiêu dùng cần biết thực sự mình đang dùng loại cà phê nào, thành phần, chất lượng ra sao. Người tiêu dùng cần nhất sự minh bạch về sản phẩm nhưng đây là cái mà thị trường Việt Nam đang thiếu. Ví dụ có nhiều sản phẩm cà phê trên thị trường mà nhãn hiệu ghi là cà phê 100% nhưng hầu hết đó không phải sự thật.
– Loại cà phê nào anh dùng trong mỗi sáng của mình thưa đạo điễn? (Trần Trâm Anh, 34 tuổi, Trâmnh@yahoo.Com)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Đó là loại cà phê vợ tôi pha.
– Các ông đánh giá thế nào về thị trường cà phê tại Việt Nam (Nam Giang, 60 tuổi, Ninh Bình)
– Ông Nguyễn Thanh Tùng: Có thể nói rằng cà phê là tàn dư ngọt ngào nhất của thời Pháp thuộc. Đáng tiếc, hiện nay chúng ta đang phải chịu một hệ lụy “đắng” của thời bao cấp. Hồi đó, do thiếu cà phê nguyên liệu, nên các cơ sở rang xay cà phê đã phải dùng bắp rang và một số chất độn khác để thay thế cà phê. Lâu ngày, việc uống cà phê có chất độn như vậy trở thành gu cà phê pha tạp.
Để thu hút người tiêu dùng, các cơ sở rang xay thường cho thêm một số phụ gia như bơ, dầu ăn, thậm chí cả nước mắm, hạt cau… Ngày nay, để tiện dụng, nhiều loại hóa chất được sử dụng thay cho những phụ gia đó. Có cả tình trạng cà phê không được làm từ cà phê mà từ 100% đậu tương cộng với hóa chất tạo màu, tạo mùi, tạo bọt. Việc này đã làm xấu đi hình ảnh của cà phê rang xay Việt Nam, đồng thời gu cà phê pha tạp còn lây sang cả cà phê hòa tan. Thực trạng cà phê giả ở Việt Nam đã ở mức báo động đỏ. Cà phê giả làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người uống, làm giảm thu nhập của người trồng, làm giảm giá trị của cà phê Việt Nam và làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.
– Đạo diễn đã rất thành công với phim Gái nhảy do khai thác chủ đề thật về lối sống của các cô gái đi làm vũ nữ. Vậy có sự liên quan nào giữa Gái nhảy và quan điểm về cà phê thật trong cuộc sống, phải chăng cà phê thật là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta nên sống thật, làm thật, thì sẽ thành công hơn? (Nguyễn Thu Hà, 25 tuổi, Hà Nội)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Cảm ơn bạn khi bạn nghĩ đến sự liên quan giữa Gái nhảy và cà phê. Nếu bạn ở trong ủy ban xét giải Oscar thì tôi đã có cơ hội đoạt giải. Đúng là phim Gái nhảy thành công một phần vì nó nói lên sự thật. Trong bất cứ sản phẩm nào trên đời từ văn hóa đến ẩm thực, sự thật có lẽ sẽ là điều cơ bản nhất. Nhưng vì lý do này hay khác, đôi khi sự thật không giành được vị trí ưu tiên. Tuy nhiên nếu Gái nhảy còn không nản chí thì những trai gái không nhảy mà uống cà phê chắc chắn cũng sẽ không nản.
Ở phương Tây, trước tòa án, nhân chứng luôn luôn phải thề: “Sẽ nói sự thật, chỉ nói sự thật, không nói gì ngoài sự thật”. Giá như bây giờ khi bước vào quán cà phê ta thấy các chủ thề: “Sẽ bán sự thật, chỉ bán sự thật, không bán gì ngoài sự thật”. Có lẽ khi uống ta sẽ có thêm chút niềm tin!
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa.
–
Tôi thấy quảng cáo cà phê Vinacafe nói “Hái từ cây mang thẳng về nhà máy mới là cà phê thật”, ông Tùng giải thích về từ “thật” trong lời quảng cáo này? (Nguyễn Minh, 41 tuổi, Henri_dark_2005_2006@yahoo.Com)
– Ông Nguyễn Thanh Tùng: Xin cảm ơn bạn. Câu hỏi của bạn thực sự rất thú vị. Sau khi xem mẫu quảng cáo này, có người còn hỏi tôi “Vậy trước đây Vinacafe chưa làm cà phê thật hay sao?”. Thực tế từ xưa đến nay (từ năm 1968), Vinacafe luôn được định vị là cà phê thiên nhiên thuần khiết. 100% các sản phẩm đều làm từ cà phê thiên nhiên, hoàn toàn không sử dụng hương liệu tổng hợp tạo mùi cà phê và bất cứ một loại phụ gia nào khác. Nếu quảng cáo Vinacafe là cà phê thiên nhiên thì đúng hơn và Vinacafe đã quảng cáo với slogan “Hương vị của thiên nhiên” trong nhiều năm.
Tuy nhiên, slogan nói trên có phần trừu tượng, nên chúng tôi chuyển qua cách nói là “cà phê thật” hay “cà phê chỉ làm từ cà phê”. Vinacafe còn hơn cả thật vì nó không những thật mà còn thiên nhiên.
– Xem phim anh Lê Hoàng em rất thích cái gu của anh, cho em hỏi gu cà phê của anh là gì? Anh thích cà phê Việt hay cà phê ngoại và tại sao? (Đồng Tiến, 25 tuổi, Hà Nội)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Rất cảm ơn bạn khi phong tặng cho tôi có một cái gu. Theo tôi biết gu là một thứ không màu, không mùi vị và cũng không phải có tiền là mua được, nó tự hình thành như một thứ trời cho. Bạn phong tặng chứ tôi chưa dám nhận là mình có gu đâu đấy! Theo rất nhiều dư luận, gu của tôi là… đanh đá.
Gu cà phê của tôi là không bao giờ uống một mình. Chỉ uống với các cô gái đẹp mà đấy phải là cái đẹp thật. Vậy thôi!
– Từ trước tới nay có ai phản ánh mua phải cà phê giả lên Hiệp hội người tiêu dùng? (Thoa, 22 tuổi, TP HCM)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chúng tôi có văn phòng tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng ở 43 tỉnh thành. Theo tôi biết, trong những năm qua, có khá nhiều khiếu nại liên quan tới thực phẩm nhưng về cà phê giả thì chưa có trường hợp nào. Có lẽ chuyện mọi người dùng phải cà phê giả quá phổ biến nên họ chẳng quan tâm tới chuyện phải đi khiếu nại.
– Ông xã em rất thích ngồi quán cóc uống cà phê hơn 10.000 đồng. Em nói mãi cà phê đó có thể là rởm mà chồng em không chịu nghe, anh Hoàng giúp em cách để trị thói quen này của ông xã em với (Cẩm Tiên, 25 tuổi, TP HCM)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Khi ông xã không nghe lời bạn thì có mấy nguyên nhân như sau:
1. Ông tin chắc cà phê ông uống là thật.
2. Ông nghĩ rằng vợ không biết gì về cà phê.
3. Ông biết cà phê rởm nhưng ông cứ uống vì tự ái hoặc vì nghĩ rằng có rởm cũng không chết.
4. Do cô bán hàng hoặc cô bưng cà phê có những thứ theo ông nghĩ là không rởm.
Để chữa trị cho chồng em cần tìm hiểu nguyên nhân nào là quan trọng. Nếu là nguyên nhân thứ 4 có lẽ hơi gay vì nó không nằm ở cà phê cũng không nằm ở cách pha chế mà nằm ở cách “cúi người đặt ly cà phê lên bàn”.
– Tôi xin hỏi cà phê mà bỏ hương liệu vào vậy đó có phải là cà phê sạch không thưa ông? Liệu nó có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của chúng ta? (Trần Minh Hải, 37 tuổi, Minhhai@gmail.Com)
– Ông Nguyễn Thanh Tùng: Như tôi đã trình bày, thế giới vẫn tiêu dùng loại cà phê có sử dụng hương. Nhà sản xuất có sử dụng hương trong sản phẩm của mình và công bố rõ ràng thông tin này trên bao bì thì sản phẩm được xem là cà phê thật. Thông thường những sản phẩm như thế cũng là cà phê thật. Nếu nhà sản xuất đã đăng ký chất lượng với cơ quan quản lý và đăng ký việc ghi nhãn sản phẩm thì chắc chắn cà phê đó là cà phê sạch. Ngược lại, nhà sản xuất không đăng ký mà vẫn lưu hành sản phẩm trên thị trường thì có thể là sản phẩm không sạch.
Trường hợp hương liệu sử dụng trong cà phê không được công bố, tức nhà sản xuất đang giấu một thông tin nào đó. Loại hương liệu đó có thể có tác dụng xấu đối với sức khỏe người tiêu dùng. Theo tôi được biết hiện có rất nhiều nguyên liệu như thế được bày bán không kiểm soát trên thị trường, hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc và tác hại của nó đến đâu thì khó có ai ngờ được.
– Cháu đang học đại học, các chú nghĩ sao khi cháu và các bạn của mình bây giờ chỉ thích uống phê ngoại vì bọn cháu nghĩ rằng nó sạch? (Meobu, 18 tuổi, Tiền Giang)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Nếu bạn lấy sạch làm tiêu chuẩn thì cũng không sai. Nhưng sao bạn không uống … nước tinh khiết cho chắc?
Nói thế thôi nhưng tôi đoán rằng bạn uống cà phê ngoại không phải vì ly hay muỗng sạch vì ly và muỗng đấy cũng được rửa bằng những bàn tay Việt, trong xà bông Việt Nam và nước máy Việt Nam mà thôi. Ý sạch của bạn chắc nhằm nói rằng cà phê ấy không pha tạp chất?
Thực ra đã là cà phê trong gói hòa tan thì thế nào cũng có pha một chút gì đó để bảo quản hương vị hoặc để tăng thêm một số hương vị. Điều ấy thì ngoại hay nội chẳng khác gì nhau. Còn độ vô trùng thì nếu đã là sản phẩm công nghiệp có lẽ đều tuyệt đối.
Ông Đỗ Ngọc Chính. Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Tiêu dùng.
– Ông Chính nói rằng “có nhiều sản phẩm cà phê trên thị trường mà nhãn hiệu ghi là cà phê 100% nhưng hầu hết đó không phải sự thật”, tôi muốn hỏi cơ sở là ở đâu? Tại sao biết đó là sự thật mà những người ở vị trí như ông không có hành động nào cả mà chỉ kêu gọi người tiêu dùng tự bảo vệ mình? (Khánh Nam, 37 tuổi, Blueginger01@yahoo.Com)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Nếu bạn thường xuyên theo dõi báo chí hoặc tự mua cà phê về tự kiểm tra tính thật giả theo hướng dẫn đơn giản của chuyên gia trong ngành thì thấy thông tin mà tôi nói là có cơ sở.
Để giải quyết hiện trạng này cần sự tham gia của nhiều phía. Về phía Hội bảo vệ người tiêu dùng VN, hàng năm chúng tôi đều tổ chức các cuộc khảo sát về các hàng hóa trên thị trường. Từ đó cảnh báo cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý thích hợp.
Ví dụ cách đây 6 tháng, chúng tôi khảo sát về sữa bột trên thị trường và phát hiện có hãng sữa mang danh sữa Nhật sản xuất tại Australia. Tuy nhiên khi tìm hiểu thì hãng này chỉ có 2 nhân viên tại Australia, thậm chí website của hãng cũng không có. Còn hãng Nhật nói trên thì không sản xuất sữa bột. Đó là câu chuyện mà một tháng nay cơ quan quản lý mới bắt tay vào cuộc điều tra.
– Anh Lê Hoàng có phải là người nghiền cà phê không và anh có nghĩ thời gian qua anh uống cà phê giả nhiều hơn cafe thật không? (Nguyen Phuong, 34 tuổi, Lannp@mhb.com.vn)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Tôi có phải là người ghiền cà phê hay không thì là điều tuyệt mật. Nhưng chắc chắn tôi ghiền tất cả những thức uống có nhiều cô gái xinh đẹp đang ngồi xung quanh.
Tôi hy vọng rằng những ly cà phê tôi uống xưa nay là thật vì nó… đắng. Theo tôi biết sự thật thường đắng cay!
– Bản thân ông Chính có từng bối rối vì không biết cà phê mình đang dùng có là hàng thật? (Thắng, 31 tuổi, TP HCM)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Tôi cũng thỉnh thoảng uống cà phê cùng bạn bè ở quán và dù không phải là chuyên gia về cà phê nhưng thường là tôi không thấy tin tưởng vào chất lượng của thức uống mình đang dùng.
– Anh Hoàng có ý định làm phim gì liên quan đến cà phê Việt Nam không? Em ước ao có nhiều nhà làm phim về quê hương em để làm phim về cà phê, giới thiệu cho cộng đồng thế giới biết tới (Hoàng Anh, 32 tuổi, Đăklăk)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Bạn ở Đăklăk à? Tôi rất hy vọng có ngày làm một phim về cà phê chắc là sẽ lên Đăklăk quay thậm chí có thể lên tận nhà bạn. Bộ phim ấy có thể mang tên “Người yêu cà phê cuối cùng” hoặc “Nếu tôi chết hãy chôn tôi cạnh gốc cà phê” hay “Cà phê – Em yêu anh”. Hay làm một phim Tết có tựa “Nhà có 5 cây cà phê”. Nếu có bộ phim như thế bạn nhớ mua vé nhé!
– Nếu tôi mua phải hàng giả thì tôi sẽ kiện người bán ở cơ quan nào? (Ngô Văn Cần, 44 tuổi, Ngovâncn@gmail.Com)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Điều bạn hỏi được quy định trong Luật Tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, Luật An toàn thực phẩm và nhất là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang hiện hành. Tóm lại, khi mua phải hàng giả, bạn có quyền khiếu nại tới cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quận, huyện (thường là Phòng Công thương của quận huyện). Nơi đó có trách nhiệm trong vòng 7 ngày phải kiểm tra, trả lời khiếu nại của bạn.
– Xin hỏi quy trình chọn cà phê của Vinacafe? (Giang Mai, 42 tuổi, Vũng Tàu)
– Ông Nguyễn Thanh Tùng: Chào bạn Mai. Một số nhà cung cấp than phiền Vinacafe khó khăn trong việc kiểm soát và kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào. Chúng tôi đã nhiều lần giải thích với họ là Vinacafe làm cà phê thiên nhiên nên việc lựa chọn nguyên liệu phải rất kỹ càng. Có như thế, sản phẩm cuối cùng mới được người tiêu dùng chấp nhận.
Thông thường, các công thức sản phẩm của Vinacafe do phòng nghiên cứu và phát triển đưa ra có kèm theo công thức hạt cà phê nguyên liệu phải mua vào loại nào Arabica hay Robusta? Tỷ lệ bao nhiêu? Từ vùng nào? Tiêu chuẩn chất lượng cụ thể ra sao?… Căn cứ vào những công thức và tiêu chuẩn đó, phòng mua hàng sẽ làm việc với các nhà cung cấp để mua cà phê nguyên liệu. Khi nhà cung cấp giao hàng, phòng quản lý chất lượng sẽ kiểm tra các nguyên liệu này. Tất cả các loại nguyên liệu đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng mới được đưa vào sản xuất.
Vì không sử dụng hương nhân tạo nên những hạt cà phê đưa vào chế biến phải được tuyển chọn kỹ càng qua các khâu như tiêu chuẩn đặt mua đối với nhà cung cấp, sàng chọn để phân loại trước khi đưa vào chế biến. Tiêu chuẩn cà phê nguyên liệu của chúng tôi cao hơn tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu và thường được mua với giá cao hơn giá thị trường.
– Việt Nam không có phim nào quảng cáo về cà phê Việt trong khi tôi thấy lúc nào cũng nói rằng cà phê Việt là đỉnh của đỉnh. Là đạo diễn phim, ông Hoàng có suy nghĩ gì? (Jane, 51 tuổi, Đà Nẵng)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Bạn nói hoàn toàn chính xác. Xin phép được thay mặt cho Điện ảnh Việt Nam chân thành xin lỗi người tiêu dùng nói chung và bạn nói riêng. Sắp tới điện ảnh “thề” không những quảng bá cho cà phê mà còn quảng bá cho trà, cho bắp cải, cho cà chua, cho bí đao, cho tỏi … Việt Nam. Nếu có câu “người Việt dùng hàng Việt” thì sao không có câu “phim Việt Nam quảng cáo cho hàng Việt Nam”. Đó là điều mà các đạo diễn cần day dứt phải không bạn!
– Thời điểm bây giờ có nên uống cà phê vỉa hè không mấy bác? (Nguyen Hoang Anh Tuan, 27 tuổi, Lagi binh thuan)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Không phải bây giờ mà hiện nay cũng như mãi mãi về sau ta vẫn nên uống cà phê vỉa hè nếu như ta tin chắc về cái vỉa hè đó.
– Xin hỏi cà phê giả gây nguy hiểm thế nào cho người dùng? (Gia Bảo, 39 tuổi, TP HCM)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Cà phê giả gây ra những cảm giác giả. Những cảm giác giả dẫn đến những suy nghĩ giả. Những suy nghĩ giả dẫn đến những hành động giả. Một chuỗi những hành động giả sẽ dẫn đến … cái gì đó giả lớn hơn thì bạn tự nghĩ lấy.
– Theo ông Chính, ai chịu trách nhiệm quản lý về buôn bán hoá chất và họ cần làm gì trong thời điểm này để chấm dứt tình trạng hoá chất độc hại buôn bán công khai, tràn lan? (Mai Văn Đông, 50 tuổi, Maivandong@gmail.Com)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007, Bộ Công thương được phân công phụ trách quản lý về xuất nhập khẩu, lưu thông hóa chất. Mặc khác, các cơ quan khác như Bộ Khoa học Công nghệ, Ủy ban nhân dân các tỉnh cũng phải có trách nhiệm phối hợp.
Theo tôi, các cơ quan này phải thực hiện những điều đã có trong Luật. Hội bảo vệ người tiêu dùng tuy không là cơ quan Nhà nước, nhưng chúng tôi huy động kiến thức và sức mạnh của xã hội để phát hiện, cảnh báo những việc làm có hại và vận động toàn xã hội tham gia dẹp bỏ những hiện tượng này.
– Tôi là người thường uống cà phê vào mỗi sáng. Thời gian qua thấy bao nhiêu người uống sao thì mình uống vậy. Vừa rồi mới biết là họ trộn các loại bắp, đậu cháy …Và thậm chí cả chất tạo phẩm. Tôi sợ quá, rõ ràng một thời gian dài mình uống vào người toàn chất độc mà không biết nên hồi này tôi phải cố tập bỏ thói quen uống cà phê nhưng để bỏ nó không phải dễ. Xin tư vấn? (Nam Phương, 49 tuổi, Hà Nam)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Không chỉ riêng cà phê mà hôm nay trong bánh phở, trong giò chả, trong trái cây… đều nhiều lúc có độc chất. Chả lẽ bạn không ăn nữa? Hay như vừa rồi theo một số nguồn tin quần áo cũng có chất độc, không lẽ bạn cương quyết … “lộ hàng” toàn thân khi ra đường hoặc đến công ty?
Nói đùa thế thôi chứ tôi biết nhiều người sử dụng một thứ nào đó một thời gian dài rồi mới ngã ngửa ra là nó độc hại. Nhưng bỏ thì rất khó. Trên đời có những thứ chưa độc hại lắm (ví dụ như một bà vợ cáu kỉnh và xấu tính mà ta còn không bỏ được cơ mà). Cho nên phải từ từ, kiên nhẫn và cũng phải chịu khó hy sinh mất mát một thời gian mới thay đổi được phải không bạn.
– Cà phê phin có tự bao giờ vậy thưa các chuyên gia? Tôi có đọc ý kiến cho rằng pha bằng phin làm giảm chất lượng cà phê, có đúng không vậy? (Quang Anh, 35 tuổi, TP HCM)
– Ông Nguyễn Thanh Tùng: Chào Quang Anh. Thuở ban đầu, cà phê được rang chín, giã nhỏ cho vào ấm đồng đun lên, sau đó rót ra ly để uống. Cách uống này người Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn sử dụng. Để lọc bã cà phê sau khi pha, các quốc gia khác phát minh ra các loại phin khác nhau. Nguyên lý của nó là nước sôi sẽ thẩm thấu qua bột cà phê để trích ly các chất hòa tan trong bột cà phê và chúng ta uống dung dịch các chất tan đó. Phin pha cà phê của Việt Nam là một trong các cách uống này. Người Italy phát minh ra máy pha cà phê Esspreso. Nguyên lý hoạt động của máy này là hơi nước nóng được phun với áp suất cao vào khoan chứa bột cà phê, để lấy các chất tan xuống ly đặt phía dưới.
Máy pha Esspreso có ưu điểm nhanh, lấy được nhiều tinh chất của cà phê, nhưng không hẳn đã là ngon. Cách pha cà phê phin của người Việt tuy mất thời gian hơn, nhưng ngoài việc uống cà phê nó có thời gian cho người uống làm được nhiều việc hữu ích hay tìm được nhiều ý tưởng hay khi chờ cà phê nhỏ giọt.
Có nhiều cách uống cà phê và mỗi cách thể hiện văn hóa của mỗi quốc gia, không thể khẳng định cách nào hay hơn cách nào.
– Thưa đạo diễn, có một số ý kiến cho rằng cà phê là sức mạnh quốc gia, có thể sánh ngang cả bom nguyên tử của Mỹ. Đạo diễn có thể chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này?. Liệu đạo diễn có ý định làm một bộ phim theo hướng này không? (Công Chiến, 40 tuổi, Phuong2000@yahoo.Com)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Tôi tin rằng người nói câu này là người sản xuất hoặc bán cà phê. Nếu hỏi nhà văn họ sẽ nói Truyện Kiều là bom nguyên tử, nếu hỏi người Hà Nội họ sẽ nói rùa hồ Gươm là bom nguyên tử, còn nếu hỏi một ông làm việc ở Vinamilk họ sẽ nói sữa bò là bom nguyên tử.
Tôi hoàn toàn tin tất cả những thứ ấy là bom. Chỉ có điều bom ấy có giết được kẻ thù hay không và chúng ta nếu lắp thứ bom ấy vào tên lửa như lắp đầu đạn hạt nhân thì chúng ta sẽ tấn công hay phòng thủ, đó là điều tôi không giải đáp được.
Tôi chỉ tin chắc rằng một nền kinh tế không thể vững mạnh bằng cách nổ bom mà bằng hiểu biết, bằng một chiến lược phát triển đúng đắn, trong sạch và lành mạnh.
Kể ra để làm được một bộ phim viễn tưởng như thế cũng hay. Trong phim quân thù từ nước ngoài hay từ vũ trụ xâm chiếm chỉ hất vài hạt cà phê là ngã lăn ra chết. Đó sẽ là một bộ phim chiến tranh hài rất có giá trị.
– Anh Hoàng thường chọn mua cà phê về cho vợ pha như thế nào? Xin chia sẻ kinh nghiệm của riêng anh? Tôi rất tin những tư vấn của anh vì nó hay và thật (Hoàng Tâm, 40 tuổi, Hải Phòng).
– Đạo diễn Lê Hoàng: Tôi hay đến những cửa hàng có bán hạt cà phê mua xong đi rang xay, đứng đó cầm về. Tôi trả bằng tiền thật, bỏ cà phê trong cái túi thật và mang nộp cho cô vợ thật.
– Việt Nam cần có chiến lược gì và biện pháp gì để người tiêu dùng tại Việt Nam được dùng cà phê thật chứ không phải 30% hay 40% cà phê thật . (Nguyễn Thanh Bình, 44 tuổi, Hưng Yên)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Đây là chủ đề khá rộng. Tôi muốn lưu ý với độc giả như sau:
Mỗi người có nhu cầu và gu ăn uống khác nhau. Có người thích cà phê nguyên chất 100%, có người thích pha thêm chất khác vào… Tuy nhiên, điều quan trọng là tất cả những sản phẩm đó phải được an toàn và minh bạch về thành phần, chất lượng để người tiêu dùng có điều kiện tự do lựa chọn đúng sản phẩm phù hợp với mình. Các cơ quan chức năng, nhà sản xuất, kinh doanh cần thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Về phía người tiêu dùng, chúng ta cần có hiểu biết về sản phẩm mình tiêu dùng và cùng có hành động để người cung cấp sản phẩm và cơ quan chức năng phải thực hiện nghĩa vụ của họ.
Đứng ở góc độ Hội bảo vệ người tiêu dùng, tôi muốn thông tin, năm 2008, chúng tôi khảo sát về thực phẩm biến đổi gen tại TP HCM với 200 mẫu thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Kết quả là 18% đậu nành có chứa chất biến đổi gene (GMO). Theo luật, các sản phẩm chứa GMO phải được ghi rõ trên nhãn hàng. Một phần lý do vì thực phẩm biến đổi gene vẫn là vấn đề phức tạp, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà thế giới còn đang tranh cãi.
Theo thông tin chúng ta có, cà phê giả nhiều khi có trộn bột đậu nành. Đây có thể là ẩn số đáng ngại về sức khỏe cho những người dùng phải cà phê giả hiện nay.
– Khi ra nước ngoài làm phim, đạo diễn Lê Hoàng có mang theo cà phê không ạ? Nếu có thì là loại nào (Yến Vy, 23 tuổi, Hải Phòng)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Đúng là tôi có ra nước ngoài làm phim một lần. Tôi có mang cà phê Vinacafe và không uống được vì bị những người bạn nước ngoài “cướp” mất!
– Thời gian qua, Hiệp hội người tiêu dùng có nhận được các phản ánh về những thức uống giả khác, ngoài cafe? (Huy, 31 tuổi, TP HCM)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Thời gian qua, chúng tôi tiếp nhận được các phản ánh liên quan tới chất lượng sữa là chủ yếu.
– Đứng ở góc độ Hiệp hội, các ông có những đúc rút chung gì về xu hướng tiêu dùng cafe của người Việt? (Thư, 40 tuổi, TP HCM)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Chúng tôi chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này. Có lẽ bạn nên tìm hiểu thông tin này ở Hiệp hội cà phê VN.
– Hiện nay, các loại cafe của phương Tây đang du nhập vào Việt Nam khá nhiều như Espresso, Cappuccino, Latte, Mocha …. và được đón nhận rất tốt, nhất là ở TP HCM hay Hà Nội. Là những người yêu thích và biết nhiều về cafe, các vị nghĩ sao về điều này và các vị có hay thưởng thức các loại cafe của phương Tây không ? (Nguyễn Trung Nghĩa, 24 tuổi, Q10, TP.HCM)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Chắc chắn cà phê phương Tây cũng có giá trị. Tuy nhiên khác với điện thoại di động hay TV là những thứ không biên giới, cà phê là hương vị mà hương vị thì luôn có tính truyền thống, tính địa phương, tính thẩm mỹ rất riêng.
Dù các thương hiệu cà phê nước ngoài có phát triển đến đâu tôi tin rằng nó cũng sẽ không bao giờ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam hoàn toàn. Giống như có 1 triệu thứ nước bán ra trên đời này thứ nước mắm vẫn không bao giờ mất đi.
Chắc bạn cũng đồng ý với tôi rằng toàn cầu hóa không bao giờ có ý nghĩa là đơn điệu hóa. Tất cả các nhà khoa học cũng như các nhà xã hội học, tất nhiên cả những nhà ẩm thực học đều đấu tranh cho sự đa dạng, trong đó dĩ nhiên có sự đa dạng về cà phê. Sự nghèo nàn về hương vị sẽ dẫn đến sự nghèo nàn về tâm hồn. Trên đời này không có hương vị cao hay hương vị thấp mà chỉ có những hương vị khác nhau. Tôi tin chắc như thế!
– Tại sao Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới nhưng chỉ xuất khẩu được cà phê thô mà không có một thương hiệu cho cà phê Việt Nam. (Phạm Hoàng Nhất Linh, 24 tuổi, Gia lai)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Câu hỏi này hoàn toàn chính xác và là câu hỏi lớn nhất. Không những trong lĩnh vực cà phê mà còn trong sản xuất lúa gạo chúng ta cũng đứng nhất nhì thế giới nhưng chỉ dẫn đầu về số lượng chứ không có thương hiệu gạo Việt nào in dấu ấn. Điều ấy dẫn đến ta có thể bán 1.000 tấn mà giá không bằng 100 tấn chất lượng cao của quốc gia khác.
Chừng nào chúng ta còn xuất khẩu khoáng sản thô, nông sản thô thì chúng ta sẽ còn xuất khẩu những … con người thô. Đó là điều cực kỳ đau lòng.
Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng những công ty chế biến cà phê (chỉ chế biến thôi chứ không hề gieo trồng) có doanh thu gấp hàng trăm lần các công ty trồng trọt. Gọi đó là bóc lột cũng được mà gọi đó là giá trị của chất xám cũng chẳng sai.
Chúng ta không có chất xám đấy hay chúng ta có mà không biết dùng? Câu hỏi này không lẽ một đạo diễn điện ảnh lại biết trả lời ư?
– Vui lòng cho em hỏi làm thế nào để phân biệt cà phê thật khi chỉ nhìn qua bột? Xin cảm ơn. (Lê Thị Hà Nam, 24 tuổi, Quảng nam)
– Ông Nguyễn Thanh Tùng: Nam thân mến, tôi không biết chắc chắn bột cà phê mà em nói là bột cà phê rang xay hay của bột cà phê hòa tan. Vì vậy, tôi có hướng dẫn cho từng loại như sau:
1. Đối với cà phê rang xay: bột cà phê nguyên chất thường tơi xốp, kích thước hạt đồng đều, màu sắc hạt đồng nhất. Nhưng chỉ nhìn không thôi sẽ khó khẳng định chắc chắn. Bạn có thể làm một thí nghiệm đơn giản như sau: thứ nhất đổ nước nguội đầy tới hai phần ba ly thủy tinh, rắc khoảng một muỗng canh bột cà phê lên mặt nước. Thứ hai bạn hãy quan sát cà phê trong ly. Nếu sau khoảng 10 phút, bột cà phê từ từ chìm xuống thì đó là cà phê nguyên chất. Khi đó, màu nâu mới bắt đầu phai ra trong nước. Nước trong ly không vẩn đục. Bột cà phê pha tạp sẽ chìm nhanh, lâu nhất chỉ nổi được 5 phút, thậm chí chìm ngay lập tức. Tỷ lệ pha tạp càng cao thì bột cà phê càng chìm nhanh. Màu nâu đen cũng phai rất trong nước. Thứ ba, dựa vào kết quả quan sát và thông tin ghi trên bao bì, bạn có thể tự biết mình đã mua cà phê thật hay giả. Ở đây chúng tôi có làm một thí nghiệm đến cuối chương trình bạn có thể xem video kèm theo để hiểu rõ hơn.
2. Với cà phê hòa tan (đang phổ biến trên thị trường loại 3 trong 1): các loại cà phê pha độn có sử dụng thêm bột đậu nành và bắp. Vì thế, nếu để ý kỹ, bạn có thể nhận thấy vị béo của bắp và đậu nành lẫn trong ly cà phê của mình. Cà phê có sử dụng hóa chất tạo mùi, khi vừa mở gói, bạn có thể thấy mùi thơm sực nức, nhưng khi pha, mùi đó mất đi rất nhanh khi nước cà phê nguội dần. Cà phê thiên nhiên có hương thơm dịu nhẹ nhưng bền lâu. Khi ly cà phê đã nguội, bạn vẫn có thể cảm nhận được hương thơm của cà phê. Một lưu ý nhỏ về hương, hai yếu tố dịu nhẹ và bền lâu phải đi cùng với nhau. Nếu thơm sộc nhưng vẫn bền hương là có khả năng chất cầm hương được sử dụng. Chất cầm hương chất lượng cao rất mắc tiền, còn loại trôi nổi trên thị trường thì không an toàn.
– Xin được hỏi ông Đỗ Ngọc Chính, ông có thể cho biết các thương hiệu cà phê của Việt Nam hiện nay được đánh giá như thế nào so với các thương hiệu cà phê có tiếng trên thế giới. Thương hiệu nào của Việt Nam được giá là có uy tín và chất lượng nhất hiện nay? (Son Le, 33 tuổi, 9/100 Hòa Bình 7 Minh Khai, Hà Nội)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Để tiện so sánh, tôi lấy ví dụ Starbucks có trên 20.000 cửa hàng ở hơn 60 nước. Các doanh nghiệp Việt có lẽ chưa thể sánh bằng. Ngay cả hạt cà phê xuất khẩu cũng chưa có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Nhiều trường hợp phải xuất khẩu dưới tên thương hiệu của nước khác.
Về câu hỏi “Thương hiệu nào của Việt Nam được đánh giá có uy tín, chất lượng nhất”, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đang triển khai chương trình “Doanh nghiệp tin cậy về người tiêu dùng”. Trong đó, những doanh nghiệp nào đạt được tiêu chí thực sự đáp ứng quyền lợi người tiêu dùng sẽ được Hội cấp logo và chứng chỉ của chương trình.
Riêng về cà phê, hiện chúng tôi chưa có điều kiện đánh giá doanh nghiệp nào theo các tiêu chí của chương trình này.
– Có cái gì mà anh Hoàng đã dùng một thời gian rồi mới ngã ngửa ra là bấy lâu này mình dùng hàng giả chưa? Tôi nghiện cà phê lâu nay và giờ bị như vậy đó? Anh Hoàng bảo tôi phải làm sao bây giờ? (Tiến Minh, 58 tuổi, Đồng Nai)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Nhiều chứ! Thậm chí có cả những cái giả to tướng mà không thể nói ra được mà thôi. Theo tôi khi phát hiện ra mình đã nghiện đồ giả, bạn cần bình tĩnh xem xét mình một cách toàn diện, xem thân thể mình đã giả đến đâu và giả những bộ phận nào. Nếu tất cả đều đã giả rồi nhưng lương tâm và trí tuệ vẫn còn thật thì bạn vẫn có khả năng hồi phục. Chúc bạn thành công!
– Tôi muốn biết hiện nay chất lượng cà phê của các doanh nghiệp được quản lý như thế nào, thưa ông Chính? Cách nào để đảm bảo sản phẩm mà họ đưa ra thị trường là thật 100%? (Minh Triết, 45 tuổi, Cần Thơ)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, hàng hóa được chia làm 2 nhóm. Nhóm 2 là những sản phẩm có nguy cơ mất an toàn, muốn đưa ra thị trường phải đạt được những quy chuẩn nhất định. Nhóm 1 là những sản phẩm khi ra thị trường không cần đạt quy chuẩn nhưng phải công bố, đăng ký tiêu chuẩn. Cà phê thuộc nhóm này.
Như vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê phải công bố tiêu chuẩn sản phẩm của mình một cách rõ ràng, minh bạch. Các cơ quan chức năng phải thanh tra, kiểm tra để đảm bảo các cơ sở này thực hiện đúng tiêu chuẩn đã công bố. Tuy nhiên cũng rất cần hành động chung của xã hội để phát hiện những doanh nghiệp làm ăn chưa đúng và tạo áp lực để họ trở lại con đường đúng.
– Cách uống cà phê ở mỗi miền đất nước là khác nhau. Chắc các khách mời có dịp đi nhiều vùng miền của Việt Nam. Xin hỏi các khách mời thích nhất cách uống cà phê của miền nào nhất? Cám ơn các vị khách mời. (Tuấn, 25 tuổi, TP Hồ Chí Minh)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Tôi thích nhất cách uống cà phê ở Sài Gòn. Đó là cà phê ôm. Nhưng những quán ấy ở vỉa hè, trên đầu có cây và bên cạnh có lá cây. Khách không ôm cô nào cả mà ôm những giấc mộng của mình.
– Theo như những thông tin mới đây tôi được biết, dường như Vinacafe gần như đang công khai chuyện phía sau hậu trường của ngành cà phê. Ông làm như vậy liệu có ảnh hưởng đến hình ảnh của cà phê Việt Nam, đặc biệt là trong thời điểm này khi dư luận đang rất chú ý vấn đề cà phê giả trên thị trường?. (Đỗ Minh Chung, 37 tuổi, Chungckt02@yahoo.Com)
– Ông Nguyễn Thanh Tùng: Chào bạn Chung. Câu hỏi này của bạn khá thú vị đấy. Tôi rất thích xem chương trình của một kênh TV nước ngoài “Họ đã làm điều ấy như thế nào?” Ở đó, các đạo diễn như Lê Hoàng công khai việc họ quay những cảnh khó, cảnh nóng. Thông qua những chương trình đó tôi hiểu rõ hơn về những khó khăn mà những người làm nghệ thuật phải trải qua. Nhờ những nỗ lực của họ, chúng ta mới được xem những bộ phim hay, những cảnh quay đẹp. Cà phê cũng vậy thôi. Mọi người đều biết cà phê giả đang là vấn nạn của xã hội và chúng tôi đang nỗ lực để chống lại nó. Việc nói những cái xấu đả phá nó để khuyến khích cái tốt thì chỉ có tác dụng tốt đối với ngành cà phê Việt Nam. Tôi sẽ trình bày vấn đề này tại hội nghị triển vọng cà phê Việt Nam sắp diễn ra tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk).
– Cà phê nguyên chất có mùi vị thế nào? Em chưa được uống nên muốn hỏi. (Win, 15 tuổi, Poland)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Cà phê nguyên chất có mùi vị… nguyên chất. Còn thế nào là mùi vị nguyên chất thì em phải tự trải nghiệm chứ không từ ngữ nào có thể diễn tả được. Tuy nhiên em 15 tuổi, nghĩa là đang là tuổi “nguyên chất” thì rất dễ dàng để khám phá điều ấy. Nhưng tôi cũng xin hỏi lại em một chút: “Ở tuổi 15, rất nhiều thứ nguyên chất em cần biết chứ không phải chỉ riêng cà phê phải không?”.
– Chất lượng cà phê có thể nhận biết được qua giá cà phê không? Theo các ông cà phê bột thật ở Việt Nam có giá trung bình là bao nhiêu? (Xuân Hồng, 58 tuổi, Tây Ninh)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Chất lượng cà phê không thể nhận biết qua giá cà phê hay màu cà phê, càng không thể nhận biết qua … dáng ngồi uống cà phê. Chỉ có thể nhận biết qua kiến thức về cà phê.
– Hỏi ông Tùng: Có lẽ tại cà phê thật không ngon nên người Việt mới hay phải độn các loại phụ gia khác phải không? (Nguyễn Thị Thơm, 32 tuổi, Xuân Thuỷ, Quận 2, TP HCM)
– Ông Nguyễn Thanh Tùng: Chào Thơm, việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm nói chung và cà phê nói riêng là được phép. Vấn đề là nhà sản xuất phải công bố trung thực, rõ ràng thông tin về phụ gia (loại được phép sử dụng trong thực phẩm) đó trên bao bì sản phẩm. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn mình uống cà phê nguyên chất hay có phụ gia tùy ý họ. Việc sử dụng phụ gia mà không công bố đang phổ biến ở Việt Nam là lừa dối người tiêu dùng, làm cho họ hiểu lầm hương vị đích thực của cà phê là gì.
– Việc chống gian lận đang được thực hiện như thế nào? Việc xử lý ra sao? Có kênh thông tin báo cáo trực tiếp hay không? (Nguyễn Thanh Đạm, 47 tuổi, Thanhdam@yahoo.Com)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có ít nhất 2 cơ quan quản lý việc này là Bộ Công thương và Bộ Khoa học Công nghệ. Khi phát hiện có gian lận thì người tiêu dùng có quyền phản ánh, khiếu nại tới cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp quận, huyện. Cơ quan này phải trả lời bằng văn bản trong vòng 7 ngày.
Các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, Hội Nông dân… nên tham gia. Riêng Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có văn phòng tiếp nhận, trợ giúp giải quyết khiếu nại ở nhiều địa phương. Mọi người có thể phản ánh, khiếu nại miễn phí tại các văn phòng đó.
– Cà phê giả làm bằng nguyên liệu gì ? Xin cám ơn ! (Nguyen Van Tien, 40 tuổi, Gò Vấp, TP HCM)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Cà phê giả làm bằng đủ thứ: bắp rang, đậu rang, lá cây rang, cành khô rang, xác ruồi rang…, chỉ không khi nào làm bằng cà phê rang. Còn người bán cà phê giả có thể làm bằng … người đẹp!
– Em hiện là sinh viên trường Đại học Tài chính – Marketing, em muốn hỏi liệu sinh viên có thể là đối tượng khách hàng của mặt hàng cà phê hay không? (Lê Quốc Khang, 19 tuổi, 270 Lý Thường Kiệt P14, Quận 10, TP HCM)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Em không những là đối tượng mà còn có thể là nạn nhân của cà phê. Như thế nào là do trí tuệ của em lựa chọn.
– Khi nào Việt Nam mới có thương hiệu cà phê để xuất khẩu ra thế giới thưa các chuyên gia? (Phạm Hoàng Nhất Linh, 24 tuổi, Gia lai)
– Ông Nguyễn Thanh Tùng: Chúng ta đã có cà phê chế biến có thương hiệu được xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng tỷ lệ đang rất thấp. Vinacafe mới chỉ xuất khẩu được hơn 10%, 90% vẫn là thương hiệu nội địa. Tôi nghĩ trước khi xuất khẩu ra nước ngoài, các thương hiệu của Việt Nam phải chinh phục người tiêu dùng trong nước trước. Để làm được điều đó, các nhà sản xuất cần phải trung thực hơn.
– Tôi là phụ nữ, nhưng lại rất nghiện cafe, trước đây tôi uống cà phê mà không ăn là bị say, bây giờ thì kể cả không ăn mà uống luôn cafe cũng không say. Cho tôi hỏi nếu uống cà phê trước khi ăn có bị đau dạ dày không (Thúy Quỳnh, 40 tuổi, Hà Nội)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Theo những kiến thức phổ thông mà tôi đọc được thì uống cà phê trước khi ăn không phải là nguyên nhân gây đau dạ dày. Bệnh dạ dày đúng là nhiều lúc có nguyên nhân tâm lý mà những nguyên nhân ấy chả liên quan gì đến cà phê.
Tuy vậy nếu cà phê không gây đau thì cũng không gây hết đau trong trường hợp này. Cà phê không phải là thuốc. Nếu cà phê là thuốc nó chỉ chữa một bệnh duy nhất là bệnh cô đơn!
– Làm thế nào để có thể nhận biết chắc chắn được hàng giả hay hàng chất lượng khi đã xem kỹ thông tin trên bao bì. Các ngành chức năng sẽ xử lý việc bán hàng giả như thế nào? (Nguyễn Ngọc Thanh, 42 tuổi, Nguyenngocthanh@yahoo.Com)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Xem kỹ thông tin trên bao bì là điều rất quan trọng khi mua sản phẩm vì doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ thông tin đầy đủ, cặn kẽ trên nhãn hàng. Tuy nhiên, đây chỉ mới là điều kiện cần, chứ chưa đủ. Thực tế, có doanh nghiệp đưa thông tin giả mạo lên bao bì. Như vậy, cần thêm những biện pháp khác.
Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có chương trình đánh giá và trao danh hiệu “Doanh nghiệp tin cậy vì người tiêu dùng” để giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn thích hợp.
– Theo các bạn cà phê hòa tan được gọi là ngon có những đặc điểm gì để cho những người bình thường uống cà phê cũng cảm nhận được? (Chu Thị Kiều Trang, 19 tuổi, Học viện Báo chí Tuyên truyền)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Đặc điểm của một ly cà phê hòa tan ngon là đầu tiên nó phải … hòa tan. Sau đó nó phải có mùi cà phê chứ không phải bị lấn át bởi các mùi khác. Hơn nữa nó phải có hương vị riêng của nhãn hiệu một cách nổi bật.
– Xin các anh cho em hỏi cà phê có vị chua có phải là cà phê thật không? (Nguyễn Quốc Thắng, 27 tuổi, Nha Trang, Khánh Hòa)
– Ông Nguyễn Thanh Tùng: Chào em, chính xác cà phê thật có vị chua thanh đặc trưng của nó. Trong 2 loại, cà phê Arabica chua hơn cà phê Robusta. Các nước châu Âu tiêu dùng nhiều cà phê Arabica hơn nên họ thích vị chua đó. Việt Nam sử dụng nhiều Robusta hơn nên ít để ý đến vị chua này.
– Theo tôi được biết các thành phần như đậu tương, bắp… được cho phép sử dụng trong phụ gia thực phẩm, vấn đề là sử dụng như thế nào thôi. Vậy từ thật và giả hiểu như thế nào cho đúng thưa ông Chính? (Nguyễn Tuấn Anh, 32 tuổi, Huế)
– Ông Đỗ Ngọc Chính: Sản phẩm đưa ra thị trường phải công bố thành phần chất lượng rõ ràng, chính xác và không được chứa những thành phần cấm. Tôi nghĩ đó mới là sản phẩm thật và minh bạch với người tiêu dùng.
– Xin hỏi giải pháp để cà phê thật đánh bật cà phê bắp, cà phê đậu nành trên thị trường cà phê vỉa hè hiện nay (Lê Hồng Vương, 28 tuổi, Hongvuong102@yahoo.Com..Vn)
– Đạo diễn Lê Hoàng: Muốn cà phê thật đánh bật cà phê bắp thì trước tiên người thật phải đánh bật người bắp!
– Tôi được biết trước đây do không có điều kiện nên đa phần cà phê phải độn bắp, đậu nành và các phụ liệu khác, có phải nhờ vậy mà hiện tại chúng ta có một gu cà phê rất riêng độc đáo so với thế giới (Minh Khoa, 37 tuổi, Khoa@yahoo.Com)
– Ông Nguyễn Thanh Tùng: Việc sử dụng đậu nành và bắp trước đây là vạn bất đắc dĩ. Rất nhiều người đang xem đó là một gu cà phê độc đáo của Việt Nam và việc hướng người tiêu dùng đến với cà phê thật, cà phê nguyên chất còn rất nhiều gian nan. Nhưng chúng ta sẽ làm được khi chúng ta có niềm tin. Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng người Việt Nam ai cũng mong muốn uống cà phê thật, kể cả người đang làm cà phê giả.
Nguồn: VnExpress