|

Quán cà phê đầu tiên của Hải Phòng ở đâu?

Theo các tài liệu chính sử ghi lại, từ năm 1870 đến năm 1873, Bùi Viện làm quan triều Nguyễn ở Chức Thương chánh tham biện kiêm Chánh quản đốc Nha tuần hải, một chuyên gia kinh tế đối ngoại, một nhà ngoại giao tiền bối được vua Tự Đức giao phó, đã thực hiện việc xây dựng một bến cảng bên cửa sông Cấm mang tên Ninh Hải và một căn cứ phòng ngự bờ biển ở liền kế bên, gọi là nha Hải Phòng sứ.

Khi Pháp đánh chiến Bắc Kỳ lần thứ nhất năm 1873-1874, tại cảng Ninh Hải này, nhà Nguyễn và Pháp lập nên một cơ quan thuế vụ chung, quản lý việc thương mại ở vùng này gọi là “Hải Dương thương chính quan phòng”, về sau gọi tắt là HẢI PHÒNG. Việc này được ghi dấu tại Hoà ước Giáp Tuất, do Nhà Nguyễn ký với Pháp năm 1874.

Ngày 19-7-1888, Tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh thành lập THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG. Tiếp đó, ngày 3-10-1888, vua Tự Đức ban Chiếu chỉ nhượng hẳn phần đất Hải Phòng cho Pháp. Từ đây bắt đầu quá trình “khai hoá văn minh” của người Pháp tại Hải Phòng.

Năm 1900, Pháp cho giải toả chợ Làng Vẻn để xây Nhà Hát Lớn. Đây là Nhà hát đầu tiên do người Pháp xây dựng trên đất Việt Nam, ban đầu chuyên tổ chức các buổi hoà nhạc cho quan chức, binh lính người Pháp và một số quan lại người Việt. Cũng từ đây, bắt đầu hình thành nhiều khu phố, khu vui chơi giải trí phục vụ quan quân cầm quyền lúc bấy giờ. Một trong những công trình mang dấu ấn thời đó là Quán cà phê nằm ở cuối đường Lạch Tray, sát chân cầu Rào ngày nay.

b8aea49b-1b2f-4d09-b394-994f6a3d1c68

Cầu Rào là cây cầu được dựng trên khu cánh đồng Rào, thuộc xã Đằng Giang, huyện An Hải cũ. Vì thế mới có tên là cầu Rào. Đầu thế kỷ 19, cầu Rào bắc qua sông Lạch Tray, được dựng bằng bê-tông cốt sắt, nền thấp, đường dẫn đắp bằng đất nối nội thành Hải Phòng với con đường chạy ra khu du lịch Đồ Sơn ngày nay. Ở đầu cầu Rào, phía nội thành Hải Phòng bây giờ, tức là khu đầu đường Thiên Lôi ngày nay, (đoạn gần Khách sạn chuyên gia cũ, nay là Khách sạn Ngôi Sao), một “đại gia” người Pháp xây tại đây một quán cà phê hoành tráng, phục vụ quan chức, binh lính người Tây và quan lại người Việt. Quán được xây 2 tầng, theo lối kiến trúc biệt thự sân vườn đặc trưng của Pháp. Hàng ngày, khách Tây, khách ta vào ra tấp nập thưởng thức hương vị cà phê – vốn là đặc sản của “mẫu quốc”. Bên ngoài quán, từng dãy xe tay, xe kéo cùng phu xe đứng chờ các quan lại, quý tộc, mệnh phụ phu nhân đến đây uống cà phê.

45e373f3-dc47-4c04-86c1-717abd7cda60

Năm 1900, một nhà báo người Pháp đã đến quán cà phê này, thưởng thức cà phê và chụp những bức ảnh đen trắng cực kỳ quý hiếm để ghi lại hình ảnh quán cà phê này. Như vậy, quán cà phê chắc chắn được xây dựng trước năm 1900 (có thể nó được xây cùng thời điểm Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập TP Hải Phòng, năm 1888).

2aae7d1a-973a-4109-a850-6b93c73352af

Và, những bức ảnh quý hiếm này cho chúng ta một minh chứng hiển nhiên: Người Hải Phòng ít nhất đã biết thưởng thức cà phê suốt trong 115 năm qua!

Khoa Sẹo 

(Bài viết được nhà báo Khoa tặng riêng Tâm Cà Coffee, vui lòng không sao chép)