Hoạt động thiện nguyện: những chiếc bánh mì đêm
Chương trình thiện nguyện “Những chiếc bánh mì đêm” do Tâm Cà Coffee thực hiện vào ngày 24/5/2016, bằng việc mang đến một suất ăn đêm cho những người vô gia cư, những người lao động nghèo vẫn cần mẫn làm việc về, Tâm Cà hy vọng có thể chia sẻ phần nào khó khăn cực nhọc với họ.
1. Từ Hành Trình Sinh Tồn tới hoạt động thiện nguyện “Bánh Mì Đêm”
Với số tiền thu được từ hoạt động kinh doanh của các thành viên trong chương trình “Hành Trình Sinh Tồn giữa thiên nhiên“, Tâm Cà đã chuẩn bị 60 suất quà để dành tặng cho những người lao động nghèo về đêm, người vô gia cư. Cùng sự tài trợ từ cửa hàng bánh mì Bread More – bánh mì Hội An, mỗi phần quà bao gồm một chiếc bánh mì bơ sữa và một hộp sữa đậu lành. Các tình nguyện viên tham gia hoạt động này cũng chính là các thành viên của Hành Trình Sinh Tồn lần thứ 3, qua đây, các bạn ấy được tiếp xúc gần gũi và chân thật nhất với những cảnh đời khó khăn khi đêm xuống. Nhờ đó để thấy, những khó khăn mà các bạn ấy đã trải qua trong thử thách của chương trình Hành Trình Sinh Tồn Giữa Thiên Nhiên chỉ là một phần nhỏ so với những khắc nghiệt của cuộc sống thực ngoài kia.
Ngay sau buổi gặp mặt tổng kết và trao thưởng chương trình Hành Trình Sinh Tồn Giữa Thiên Nhiên, cả đại gia đình liền cùng nhau lên đường thực hiện hoạt động phát bánh mì đêm. Bốn gia đình chia nhau đi quanh các tuyến đường Ngô Gia Tự, Ngô Quyền, cầu Bính, cầu Quay, Kiến An… tới các khu vực mà người vô gia cư thường trú ngụ qua đêm.
2. Làm việc thiện cũng không dễ dàng đâu!
Tâm Cà theo chân các bạn thành viên của nhóm F4 di chuyển tới quận Kiến An, thật không may, khi cả nhóm vừa sang tới nơi thì trời đổ mưa. Chờ một lúc mưa vẫn chưa tạnh, cả nhóm quyết định vẫn đội mưa đi một vòng quanh địa bàn quận. Đi quanh một lúc, nhóm gặp một chú lớn tuổi với dáng bộ lầm lũi mệt mỏi đang ngồi một góc ở lề đường. Cô bé Hiền lại gần hỏi chuyện và định bụng gửi tặng chú một phần quà, nhưng thật bất ngờ, chú không những không nhận mà còn mắng nữa. Chú tưởng nhóm là người xấu nên không nhận, vì thường có ai tự nhiên mang đồ ăn cho người khác đâu, làm từ thiện thì ai lại đi phát ban đêm thế này, chú toàn thấy người ta làm từ thiện là phải rùm beng lên chứ. Sau một hồi giải thích, cuối cùng chú ấy cũng hiểu và vui vẻ nhận món quà. Lúc ấy tôi thấy chú nâng niu chiếc bánh mì, lời cảm ơn cất lên nhỏ thôi nhưng đôi mắt chú ấy như đang rưng rưng lắm!
3. Mang tấm lòng đổi lấy những nụ cười không thể nào quên
Bạn Đoàn Duy kể với chúng tôi: “cả nhóm đi tới khu vực Hồ Sen thì gặp một cô đi nhặt ve chai, dáng người mảnh khảnh còng lưng chở bọc nilon với hộp bìa catton phía sau. Lúc bọn anh gửi tặng cô phần ăn đêm, cô ấy bất ngờ lắm! Cô nhận bánh mì mà người lặng đi. Bọn anh đi một đoạn rồi ngoái lại mà vẫn thấy cô ấy đứng đó mãi”.
Không chỉ ở những khu vực ngoài trung tâm, ngay tại dải vườn hoa trung tâm thành phố, chúng tôi gặp một cụ già đang lọ mọ nhặt giấy với nilon, nom cụ cũng phải ngoài 80 tuổi rồi. Cụ nói cụ nhặt những thứ ấy để hôm sau đem đi bán, một cân được ba đến năm ngàn, thi thoảng nhiều thì được năm đến bẩy cân, hôm nào ít thì được một hai cân, chỗ tiền kiếm được mỗi đêm để ăn uống cho cả ngày hôm sau. Lúc chúng tôi biếu cụ phần ăn đêm, mắt cụ ngời sáng, cụ mỉm cười, nụ cười hiền hậu như bà mình vậy.
Cũng có lúc, chúng tôi gặp một cụ đầu óc không còn minh mẫn, khi chúng tôi biếu bánh mì, cụ chỉ gật đầu, gương mặt cụ buồn, từng nếp nhăn hằn trên khuôn mặt hốc hác vì sương gió. Cụ lặng nhìn những đứa trẻ không quen biết, dụi dụi mắt rồi lại lặng lẽ bước đi những bước tập tễnh. Chúng tôi nhìn theo mà thấy lòng nặng trĩu.
Đêm hôm ấy với những tình nguyện viên đi phát bánh mì đêm như chúng tôi, hẳn là một đêm ý nghĩa hơn bao giờ hết. Chúng tôi đi để được thêm hiểu và đồng cảm với những người lao động nghèo, những người vô gia cư khó khăn. Trời gần sáng, những suất bánh mì đã hết, bóng tối cũng lùi dần, nhường chỗ cho ánh sáng của bình minh, của những nụ cười nghẹn ngào, những đôi mắt rưng rưng mà ngời sáng, của tình yêu và niềm hy vọng…