Vẻ đẹp của chiếc cốc cà phê cạn
Khi nói về ly cà phê, người ta thường thích ngắm nhìn một tách cappuccino được vẽ thật khéo léo và đẹp mắt, hay lớp creama của ly espresso mịn màng, không thì chứ ít cũng là phin cà phê đen thật hợp cảnh trong một ngày mưa. Nhưng với tôi, vẻ đẹp khiến tôi muốn ngắm nhìn và hài lòng nhất, ấy là một cốc cà phê cạn.
Vị khách tìm kiếm tìm cốc cà phê có nét chua thanh dịu
Bữa nay, có anh khách hàng đến chơi văn phòng của Tâm Cà. Trước đó anh kể chuyện: trong chuyến du lịch Đà Lạt vừa rồi, anh thấy cà phê trong ấy ngon lắm, khác hẳn vị mà anh vẫn uống ở cà phê Hải Phòng mình. Cốc cà phê mang hương vị rất hài hoà, đắng vừa đủ lại có chút chua. Nét chua ấy làm anh thích thú, điều mà anh chưa từng tìm thấy khi ngồi lê la ở các quán cà phê ngoài mình.
Tôi mời anh qua văn phòng của chúng tôi để “cà đạo”. “Cà đạo”, ấy là cái tên mà chúng tôi gọi những lần thử và thưởng cà phê. Theo lời kể của anh, tôi mời anh thử trước tiên là dòng cà phê Biz 4. Với sự kết hợp của catimor Lâm Đồng và robusta Daklak, Biz 4 thật dịu êm khi thưởng thức đen nóng. Hương trầm ấm, vị đắng êm không gắt, rất rõ để nhận ra chút chua của arabica xen lẫn trong cái nồng nàn của robusta.
Nhưng có vẻ như, sự êm dịu ấy lại chưa hẳn là cái mà anh tìm kiếm. Anh cần thêm chút nồng nàn sâu lắng hơn thế. Băn khoăn giữa lựa chọn Biz 3 và Biz 5, cuối cùng tôi quyết định mời anh thử môt cốc cà phê Biz 5 với thành phần có thêm culi mang cái đắng “khốc liệt”. Ồ nhưng, anh ấy đúng là một vị khách khó chiều. Cái đắng ấy của culi đã khiến anh lắc đầu trước Biz 5.
Tuyệt chiêu cuối cùng
Sau hai lần chưa thể làm thoả mãn cái mong muốn về một hương vị khiến anh ám ảnh khi trở về từ Đà Lạt mù sương, tôi quyết định mời anh thử “tuyệt chiêu cuối cùng” của mình. Cốc cà phê lần này chắc chắn không thể khiến anh hài lòng với yếu tố vị đắng đượm nồng nàn. Nhưng tôi kỳ vọng sự cuốn hút bởi nét hương dai dẳng luyến lưu, bởi cái hậu vị tinh tế càng uống càng thấy thú vị sẽ khiến yếu tố kia trở nên không còn quan trọng.
Và lần này, tôi đã làm được.
Ban đầu, anh không thực sự thích thú với hương vị của cốc cà phê ấy. Vị chua là vị mà anh thấy rõ rệt, và cái đắng rất nhẹ mà dễ khiến cảm giác “nhạt”. Bằng vị giác nhạy bén của một người làm trong ngành thực phẩm, anh còn nhận ra được cả cái vị hơi gắt kèm mùi hương như gỗ mục. Thêm chút đường, khuấy ly cà phê lên, hương thơm như được khuấy động để bung toả hơn nhiều lần. Anh hít hà, nhấp thêm một ngụm. Lúc này, tôi thấy sự hài lòng hiện hữu rõ rệt trên gương mặt anh. Hương thơm ngọt như hương trái cây, dai dẳng mà quyến luyến. Ngừng một lúc, anh nói: “cà phê quả thực rất thơm, và uống xong anh cảm giác miệng mình rất sạch, thanh khiết. Vị ngọt để lại ở cổ họng rất lâu”. Và tôi biết sự lựa chọn lần này của mình đã đúng.
Vẻ đẹp của cốc cà phê cạn.
Vừa trò chuyện về chuyến đi của anh, vừa chia sẻ về con đường đến với cà phê của tôi và cách anh vẫn thưởng thức cà phê trước giờ, cốc cà phê ấy hết lúc nào không biết. Xen lẫn trong câu chuyện của chúng tôi thi thoảng lại là một câu anh tấm tắc khen cốc cà phê trên tay. Cốc cà phê hết, tôi thấy được sự hài lòng trọn vẹn trong anh.
Xem thêm: Drip Coffee – Pourover Coffee: thưởng thức cà phê ngon theo phong cách Nhật
Hẳn nhiên, với những người như chúng tôi, khi đã đưa tâm huyết của mình vào một ly đồ uống sẽ luôn mong muốn thấy nó nhận được sự hài lòng như vậy. Nhìn cốc cà phê “sạch sẽ”, tôi biết vị khách của mình đã tìm được điều anh ấy muốn. Cốc cà phê sạch và trong, chỉ còn đọng lại một chút rất ít cà phê vì không thể dốc cạn. Hình ảnh ấy mới đẹp biết nhường nào! Như thể toàn bộ tâm sức và kỳ vọng của mình đều đã truyền được đến cho người thưởng thức.
Bạn có đang tò mò “tuyệt chiêu cuối cùng” của tôi là gì? Nhưng lần này, tôi xin được phép giữ lại làm bí mật giữa tôi và vị khách hôm ấy. Nếu bạn muốn khám phá và tìm ra hương vị cà phê thuộc về mình, hãy liên hệ với chúng tôi nhé.
Tâm Cà luôn chờ bạn.